Tháp Chàm Poshanư - Vẻ đẹp ngàn năm còn vọng lại

Chủ nhật - 18/07/2021 22:20
Cụm di tích Tháp Chàm Poshanư là một nhóm di tích các tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa cổ - biểu tượng cho một thời kỳ huy hoàng của các dân tộc nơi đây. Ngày nay Poshanư thuộc địa phận phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

GIỚI THIỆU THÁP CHÀM POSHANƯ


Tháp Chàm Poshanư là cụm di tích đền thờ cổ của người Chăm nằm trên ngọn đồi Bà Nài thuộc phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Đây là công trình tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai đặc sắc, thể hiện tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của người dân Champa thời xưa. Tháp được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991. 
Đường đi đến tháp Poshanư cũng khá đơn giản, từ trung tâm thành phố du lịch Phan Thiết bạn đi theo con đường Nguyễn Thông khoảng 7km về phía Mũi Né là đến được đây. Di tích này nằm sát bên với lầu Ông Hoàng nên rất thuận tiện cho du khách tham quan.
tháp chàm poshanu
Tháp Chàm Poshanư - Biểu tượng của nền văn hóa Champa cổ.

LỊCH SỬ THÁP CHÀM POSHANƯ

 
Tháp Chàm Poshanư có niên đại cách đây khoảng hơn 1000 năm lúc vương quốc Champa còn là một thế lực hùng mạnh ở khu vực Miền Trung Việt Nam. Người Chăm chịu ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo nên văn hóa và tín ngưỡng mang màu sắc của tôn giáo này rất nhiều, mà tháp Poshanư là một đại diện tiêu biểu.
Vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 là lúc Champa đạt đến thời kì thịnh trị, Ấn Độ Giáo dần thay thế Phật Giáo trở thành quốc giáo của người Chăm, Tháp Chàm được xây dựng để thờ thần Shiva hay Thấp Bà hoặc Cập Chiêu - vị thần quan trọng, một trong ba tam thần Ấn Giáo, hiện thân cho sức mạnh của vị thần hủy diệt.
địa điểm du lịch bình thuận
Tháp Chăm chịu ảnh hưởng rất nhiều của kiến trúc Ấn Giáo.
Đến thế kỷ 15, người ta xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sha Inư - vị công chúa rất được người dân yêu quý bởi tài đức vẹn toàn. Có lẽ tên gọi Poshanư cũng xuất phát từ tên gọi của người này. Bạn đọc có thể theo dõi câu chuyện trong bài viết: Tháp Chàm Poshanư và chuyện tình éo le của nàng Công Chúa nhân hậu
Năm 1992-1995, những cuộc khai quật khảo cổ tại nơi này đã phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế kỷ 15. Cũng từ đây tháp có tên gọi là Po Sah Inư. Từ năm 1990 đến năm 2000, di tích được chính quyền tỉnh Bình Thuận tu bổ, tôn tạo.
Năm 1991, di tích này được Việt Nam xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Nơi đây trở thành địa điểm du lịch Bình Thuận thu hút rất nhiều lượt khách hàng năm.
du lịch phan thiết
Tháp Chăm đã được tôn tạo và trở thành địa điểm du lịch hút khách ở Bình Thuận.

NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC ĐẬM NÉT CHAMPA

 
Phong cách nghệ thuật các Tháp Chăm có rất nhiều kiểu kiến trúc khác nhau và chia theo từng niên đại. Riêng Tháp Chàm Poshanư do được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 9 nên ảnh hưởng bởi phong cách Hòa Lai, cùng thời với một số tháp khác như tháp Hòa Lai, tháp Po Dam, tháp Mỹ Sơn F3, tháp Mỹ Sơn A2, tháp Mỹ Sơn C7. Điểm dễ nhận thấy ở kiểu Hòa Lai là các vòm cửa nhiều mũi tròn với các trụ bổ tường hình bát giác làm bằng đá cát kết với hoa văn hình lá uốn cong.
Cấu trúc Tháp gồm ba phần chính: Tháp chính A - từ trong lòng tháp lên đến đỉnh 15m, cạnh đáy mỗi bề gần 20m, một cửa chính dài, hướng về phía Đông mà theo truyền thuyết Chăm là nơi cư ngụ của thần linh. Có 3 cửa giả ở những hướng Bắc, Tây, Nam. Trên vòm cuốn ở hướng Tây hiện còn những dãy chạm khắc dày đặc với những bông hoa và hình tượng kỳ lạ. Tháp có 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại và bớt đi những yếu tố kiến trúc của tầng dưới. Trong tháp hiện còn thờ biểu tượng Sinh thực khí Linga - Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối.( Linga là hình ảnh hoặc trừ tượng hoặc đại diện của thần Shiva). Trên đỉnh tháp có 4 cửa sổ hình tam giác hướng về 4 phía, bên ngoài xây bít kín, dưới mỗi cửa sổ có 4 lỗ lớn để thông gió ra ngoài.
tháp chàm
Tháp chính của cụm di tích.
Tháp phụ B nằm riêng nhích về hướng Bắc cao khoảng 12m, về cơ bản hình dáng kiến trúc giống tháp A nhưng đơn giản hơn. Trước đây trong tháp có thờ con bò thần Namdin nhưng sau đó không thấy nữa. Năm 1995 lúc khai quật dưới lòng đất đã tìm thấy 1 bàn chân và 1 tai bò thần bằng đá. Tháp phụ C là ngọn tháp thờ thần Lửa với chiều cao hơn 4m, duy nhất một cửa trổ về hướng Đông, những kiến trúc và trang trí nghệ thuật bên ngoài đã bị thời gian bào mòn chỉ còn lại một số đường nét gốc.
lịch sử tháp chàm poshanu
Tháp Phụ.

CÁC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

 
Là địa điểm linh thiêng của những người dân tộc Chăm, vì thế hàng năm người dân thường tổ chức các lễ hội để cầu mong cho mưa thuận gió hòa và tưởng nhớ đến công ơn của vị công chúa nhân hậu. Một số lễ hội chính ở đây có thể kể đến như lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang diễn ra vào những ngày tháng giêng Âm Lịch. Nổi bật nhất là lễ hội Kate cũng là lễ hội lớn nhất, được tổ chức vào khoảng ngày 3, 4, 5 tháng 10 dương lịch (tức tháng 7 theo lịch âm của người Chăm). Ngoài địa điểm tháp Chàm, lễ hội còn được tổ chức ở hai khu vực tháp khác là Poklong Garay và Po Inư Nagar thuộc tỉnh Ninh Thuận. Vào những ngày này người dân thường nghỉ ngơi, đi chúc tụng lẫn nhau, thưởng thức nhạc cổ và điệu múa dưới chân các Tháp Chăm cổ kính.
lễ hội kate
Lễ hội tổ chức ở Tháp Poshanư hàng năm thu hút rất nhiều người tham gia.
Nói thêm về lễ hội Kate, được chia thành hai phần là phần Lễ và phần Hội. Ở phần lễ, người ta bắt đầu bằng nghi thức hành lễ rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ. Khi điệu múa thiêng kết thúc thì ngoài tháp Chăm bắt đầu mở hội. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với trống Gi Năng, trống Paranưng và kèn Saranai làm vui nhộn cả một vùng. Được kết thúc vào chiều tối ngày thứ hai của lễ. Còn về phần Hội thì được tổ chức theo quy mô nhỏ hơn, chủ yếu theo làng rồi tới trong gia đình một ngày sau đó. Người chủ tế thường là người có uy tín, có tuổi, trưởng dòng tộc. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình được đoàn tụ với nhau, gắn bó với nhau hơn và vui chơi giải trí sau một năm làm việc miệt mài.
Du khách đến đây vào những ngày thường cũng sẽ được thưởng thức những tiết mục múa nghệ thuật dân gian Chăm được ban quản lý tổ chức theo yêu cầu.
công chúa po sah inu
Lễ hội không chỉ thể hiện văn hóa và tín ngưỡng mà còn là dịp để người Chăm giao lưu và thăm hỏi lẫn nhau.
Dù đi đâu, làm gì thì người dân Chăm luôn nhớ về tổ tiên của mình, luôn tự hào vì những câu chuyện và nền văn hóa đậm đà bản sắc được thể hiện qua những điệu múa, những bài ca cổ và cả những công trình kiến trúc mang tầm nghệ thuật như Tháp Chàm Poshanư. Còn bạn thì sao hãy đến và cảm nhận ngay nhé!

Tác giả bài viết: JQ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Tour

Chúng tôi trên Facebook

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây