Về miền Tây đừng quên ghé thăm Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Thứ ba - 08/03/2022 01:56
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc, An Giang là địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi về miền Tây sông nước.

MIẾU BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM Ở ĐÂU

Tọa lạc trên sườn núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Miếu Bà Chúa Xứ là địa điểm du lịch linh thiêng nổi tiếng bậc nhất ở miền Tây Nam Bộ, cách trung tâm thành phố khoảng 8km về hướng Tây Nam. Miếu tọa lạc giữa sườn núi Sam, hướng Tây Bắc, mặt giáp với đồng bằng và khu dân cư. Không ai biết miếu được hình thành từ khi nào, chỉ biết tục thờ bà Chúa Xứ đã ăn nhập rất sâu vào ý thức hệ người dân miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung từ lâu đời. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì Bà Chúa Xứ tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt Nam, tuy nhiên các tài liệu nghiên cứu về vấn đề này đều gọi đây là "tín ngưỡng Bà Chúa Xứ" đủ để thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Bà Chúa Xứ rộng lớn tới nhường nào.
châu đốc
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.

HUYỀN THOẠI VỀ MIẾU BÀ CHÚA XỨ AN GIANG

 
Một địa điểm tâm linh không rõ quá trình hình thành thì luôn gắn liền với nhiều sự tích và Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam cũng không ngoại lệ. Có nhiều câu chuyện giải thích về địa điểm này, có thể kể ra một số truyền thuyết như sau:
Chuyện kể rằng trên đỉnh núi Sam ngày trước có một bệ tượng bằng đá sa thạch, vào những năm đầu thế kỷ XIX, giặc Xiêm sang cướp phá vùng này, thấy tượng định khiêng xuống núi, nhưng khổ nỗi tượng không hề dịch chuyển. Một người lính thấy thế tức giận vớ lấy cái gậy phang vào tượng làm sứt mẻ cánh tay, bỗng nhiên hắn lăn đùng ra chết. Hôm sau người dân lên núi và khiêng tượng xuống để thờ nhưng tượng vẫn không hề hấn gì. Bỗng một cô gái lên đồng và phán rằng chỉ cần 40 cô gái đồng trinh khiêng thì mới có thể thỉnh bà xuống. Dân làm theo quả nhiên đúng như lời, tuy nhiên mới xuống được lưng chừng núi thì lại không khiêng được nữa. Hiểu ý bà, dân liền lập miếu và thờ bà tại đây.
miếu bà chúa xứ
Miếu Bà gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về sự hình thành.
Một câu chuyện nữa có lẽ là biến tấu theo truyền thuyết đầu tiên cho rằng cách đây gần 200 năm, một thiếu nữ bỗng nhiên lên đồng và tự xưng là bà Chúa Xứ về núi Sam để cứu nhân độ thế, phán rằng hiện tượng bà đang ở trên đỉnh núi và muốn người dân lên thỉnh về để thờ. Dân làng phái 40 thanh niên lực lưỡng đi nhưng cũng không tài nào khiêng được. Thiếu nữ lại lên đồng nói rằng chỉ cần 9 cô gái đồng trinh là có thể khiêng được. Quả như lời phán, nhưng khiêng được lưng chừng núi thì dây đứt. Người dân hiểu ý liền cho lập miếu tại đây.
Thêm một huyền thoại khác cũng ly kỳ chẳng kém, nhưng mang tính đời thường và liên quan đến một nhân vật lịch sử nổi tiếng. Đó là những năm Thoại Ngọc Hầu (1761–1829) còn cai quản vùng Châu Đốc và giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên (Campuchia ngày nay). Vợ ông là bà Châu Thị Tế ngày đêm cầu mong ông bình an trở về và hứa sẽ lập miếu thờ nếu được. Cảm kích trước tấm lòng của người vợ Thoại Ngọc Hầu đã lấy cốt Phật ở Tây Thành về để dựng chùa thờ, gọi là chùa Tây An. Tuy nhiên để tránh lời đồn ác ý thờ Phật của giặc, ông đã đưa tượng ra ngoài và lập miếu thờ ở núi Sam để tránh phiền hà.
miếu bà chúa xứ châu đôc
Miếu Bà mùa lễ hội.
Về nguồn gốc của bức tượng thì theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret nghiên cứu năm 1941 cho rằng tượng xuất hiện từ cuối thế kỷ VI, thuộc loại tượng Vishnu (nam thần) - Vị thần bảo hộ trong Ấn Giáo và đạo Bà La Môn, miêu tả dáng vẻ suy nghĩ, dáng người vương giả, ngực nở, bụng hơi phệ. Tay trái để ở tư thế chống vào nách, tay phải để tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải, tượng cao khoảng 1,25 mét và được làm bằng đá “son” (đá xanh đen) nguyên khối, được đặt trên bệ cao ở chính điện.
tượng bà chúa xứ
Tượng Bà Chúa Xứ.
Cũng theo mô tả của nhà văn Sơn Nam - chuyên viết về vùng đất Nam Bộ: "Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy...". Có thể thấy, tượng Bà Chúa Xứ tiêu biểu cho sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng giữa người Việt và người Khmer bản địa thời bấy giờ, thể hiện sự hòa hợp trong lối sống, suy nghĩ, mong muốn tự do sáng tạo và thoát khỏi mọi ràng buộc truyền thống.

KIẾN TRÚC MIẾU BÀ CHÚA XỨ

 
Ngay từ khởi thủy, miếu Bà Chúa Xứ được dựng từ mái lá đơn sơ. Mãi đến năm 1870 mới được dựng lại và lợp mái ngói, đến năm 1960 thì trùng tu bằng đá miếng và lợp ngói âm dương. Trải qua các đợt trùng tu 1962, 1965, 1966 chùa ngày càng được mở rộng về quy mô. Dáng vẻ của chùa hiện nay là thành quả của giai đoạn trùng tu 1972 - 1976 theo lối kiến trúc đình chùa Việt Nam do hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng chủ sự, nhưng mãi đến 1995 thì ban quản lý của miếu mới hoàn thành việc xây dựng còn lại.
miếu bà núi sam
Cổng Tam Quan.
Từ ngoài đi vào, chúng ta có thể thấy kiến trúc tổng quan của Miếu Bà sắp xếp theo hình chữ "Quốc" (quốc trong quốc gia (國)) dạng hình bông sen nở, mái ba tầng lầu cong vút mô phỏng kiến trúc đình chùa thời phong kiến, bên trên lợp ngói âm dương màu xanh. Khu vực miếu hiện nay rộng khoảng 3000 m2, bao gồm các khu Chính điện, nhà võ ca, nhà trưng bày lễ vật và khu làm việc của ban quản lý.
truyền thuyết miếu bà chúa xứ
Toàn cảnh kiến trúc miếu Bà.
Bước vào chính điện, ta thấy ngay bức tượng Bà Chúa Xứ như đã nói ở trên, đầu đội mũ kim tuyến, mình khoác phượng bào, hai bên có đôi hạc đứng hầu tạo thế uy nghi, phía trước đặt hương án với lư hương và hai cây nến. Bên phải điện thờ (từ ngoài vào) là bàn thờ Cô với bức tượng nhỏ bằng gỗ, bên trái là bàn thờ Cậu - là một Linga( biểu tượng của thần Shiva trong Hindu giáo) bằng đá cao khoảng 1,2m. Cũng giống như đình chùa khác ở Nam Bộ, hai bên chính điện sẽ thờ Tiền hiền khai khẩn và Hậu hiền khai cơ (những người có công khai khẩn và phát triển vùng đất này). Phía trước hương án cũng là nơi đặt bài vị của Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân. Ngoài ra, các trụ cột ở chính điện đều treo câu đối viết bằng chữ Hán ca ngợi công đức Bà Chúa. Các hoa văn cổ ở chính điện mang hơi hướng Ấn Độ Giáo, các khung, cánh cửa, liễn, hoành phi đều được chạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ, độc đáo nhất phải kể đến những đầu kèo được cách điệu nâng đỡ qua bàn tay giăng ra của các vị thần.
kiến trúc miếu bà chúa xứ
Bên trong chính điện.

LỄ HỘI MIẾU BÀ CHÚA XỨ

 
Hằng năm lễ hội Bà Chúa Xứ được tổ chức từ 23 - 27/4 Âm lịch ba gồm các lễ Mộc dục (lễ tắm bà), lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chính tế và cuối cùng là lễ Hồi sắc. Cũng trong thời gian này, du khách thập phương từ khắp nơi đổ về để tham dự lễ hội cũng như khấn vái để xin ơn.
Có thể nói, vùng đất Châu Đốc gắn liền với lịch sử mở mang bờ cõi của cha ông ta, đồng thời cũng là nơi giao thoa văn hóa tín ngưỡng độc đáo mà miếu Bà Chúa Xứ là một ví dụ sinh động. Đến đây chúng ta không những để cầu xin mà còn là niềm tự hào và tri ân với những bậc tiền bối đã có công mở cõi và dựng xây mảnh đất biên cương của tổ quốc này.

 
Các bạn yêu mến và muốn tìm hiểu về địa điểm này có thể tham khảo chương trình: Tour du lịch Châu Đốc - Hà Tiên 2N2D chất lượng

Tác giả bài viết: JQ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Tour

Chúng tôi trên Facebook

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây