Sơn Lăng và câu chuyện về công thần mở cõi Thoại Ngọc Hầu

Thứ hai - 14/03/2022 04:52
Sơn Lăng hay lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của vùng đất Châu Đốc, An Giang. Đây là nơi an nghỉ của Thoại Ngọc Hầu - một trong những khai quốc công thần của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông được nhân dân khắp vùng biên Hà Tiên, An Giang biết đến bởi là người khai hoang lập ấp và kiến tạo nên những vùng đất trù phú như ngày nay.

THOẠI NGỌC HẦU VÀ CÂU CHUYỆN MỞ CÕI VÙNG BIÊN

 
Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829) tức Thoại Ngọc Hầu - là khai quốc công thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông chào đời ngày 26/11 năm 1761 tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường An Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng) dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Năm 1775, ông theo mẹ vào nam lánh nạn chiến tranh, định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài (nay thuộc Vĩnh Long). Năm 16 tuổi (1777) gia nhập quân đội nhà Nguyễn, có mặt trong trận chiếm lại thành Gia Định (1778, 1787-1789) và lượt giữ chức cai cơ, khâm sai Bình Tây tướng quân phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, ông được phong làm khâm sai Thống binh cai cơ và được sai ra thu phục Bắc Thành, trấn thủ Lạng Sơn, cuối cùng là trấn thủ Định Tường (1808). Đến năm 1816 ông được triệu về kinh đô Huế và nhận nhiệm vụ trấn thủ trấn Vĩnh Thanh.
tượng thoại ngọc hầu
Tượng Thoại Ngọc Hầu trong lăng mộ của ông.
Ngoài công lớn phò tá Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, Thoại Ngọc Hầu còn được người dân vùng Châu Đốc, An Giang tưởng nhớ bởi công lao mở cõi, khai hoang lập ấp. Những công trình xây dựng của ông có giá trị to lớn về kinh tế, giao thông, làm biến đổi những vùng đất hoang miền biên cương thành những nơi trù phú và khẳng định chủ quyền đối với đất nước, đặc biệt chúng vẫn có giá trị đến tận ngày nay:
Kênh Thoại Hà: Được đào từ năm 1818 có chiều dài khoảng 30km nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay) với Khê Giá (Rạch Giá). Công trình hoàn thành trong khoảng 1 tháng dưới triều Gia Long. Lúc đào xong, kênh có chiều dài khoảng 31,77km, rộng 51,2m. Để đánh dấu sự kiện này, Vua Gia Long đã cho phép lấy tên ông để đặt cho con kênh và ngọn núi Sập, tục gọi là Thoại Hà và Thoại Sơn. Ông cũng cho đúc một tấm văn bia và dựng bên triền núi Sập để ghi nhớ công trình nhiều ý nghĩa này. Kênh góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống hai bên bờ, là kênh thoát lũ cho sông Hậu và phát triển giao thương, kinh tế giữa vùng biển và sâu trong đất liền.
kênh thoại hà
Một góc kênh Thoại Hà.
Kênh Vĩnh Tế: Đại công trình tiêu biểu thời nhà Nguyễn ở Nam Bộ nối liền hai thành phố du lịch nổi tiếng Châu Đốc và Hà Tiên. Nhận thấy tầm quan trọng của tuyến đường thủy ở vùng biên phía Tây, năm 1819, vua Gia Long đã cho khởi công xây dựng dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Thoại, xây dựng trong 5 năm với 2 lần trì hoãn. Kích thước theo ghi nhận lúc đào xong có 87km chiều dài, rộng 30m và sâu khoảng 3km, huy động hơn 9 vạn dân phu từ các tỉnh xung quanh. Nhân đó, Thoại Ngọc Hầu đã lấy tên của vợ mình để đặt cho dòng kênh mới này, gọi là kênh Vĩnh Tế. Có thể nói, kênh là bức bình phong để bảo vệ cho biến giới phía tây, phát triển các thị trấn trong vùng và đặc biệt là thúc đẩy thương mại giữa hai khu vực sầm uất đó thời bấy giờ, thế nên dân gian mới có câu:
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.
bản đồ kênh vĩnh tế
Bản đồ kênh Vĩnh Tế.
Đường Tân lộ Kiều Lương: Để thuận tiện cho việc đi lại giữa núi Sam và Châu Đốc, ông đã cho đắp con lộ dài 5km nối giữa hai vùng, kéo dài từ 1826-1827 thì xong. Lúc hoàn thành, ông cho khắc tấm bia đề " Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương", nhưng hiện nay đã không còn.
tân lộ kiều lương
Tân Lộ Kiều Lương xưa và nay.

KIẾN TRÚC LĂNG THOẠI NGỌC HẦU


Sơn Lăng hay lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của vùng đất Châu Đốc, An Giang. Đây là nơi an nghỉ của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân. Lăng là quần thể kiến trúc lăng mộ hiếm hoi còn sót lại từ thời Nhà Nguyễn ở Nam Bộ do chính tay ông xây dựng. Lăng nằm trên quốc lộ 91, dựa lưng vào núi, mặt hướng về sông Hậu, đối diện với Miếu Bà Chúa Xứ và cách Tây An Cổ Tự không xa.
lăng thoại ngọc hầu núi sam
Toàn cảnh lăng Thoại Ngọc Hầu.
Từ ngoài đi vào phải đi qua chín bậc làm từ đá ong. Phía trên là sân lăng rộng, có tiểu đình ở giữa, hai bên hai cửa lăng hình bán nguyệt, khắc dòng liễn đối theo phong cách lăng tẩm thời phong kiến. Đáng chú ý, có năm tấm bia mộ được gắn chặt trong những bức tường ở phía trước do người đời sau thu nhặt về, nhưng theo thời gian đã không còn thấy chữ ở trên đó nữa.
lăng thoại ngọc hầu
Mặt trước lăng.
Toàn bộ lăng được bao bọc bởi bức tường dày cả mét, phía bên trong là nội lăng. Nội lăng được chia thành hai vuông lăng. Vuông thứ nhất có ngôi mộ của hai phu nhân ông Thoại ở hai bên: bà chính thất phu nhân Châu Thị Tế và bà thứ Trương Thị Miệt (mộ bà thứ thấp hơn để tỏ sự kính nhường). Ở giữa chính là mộ của Thoại Ngọc Hầu. Cả ba đều có bức bình phong và bi ký bằng chữ Hán ở trên.
du lịch châu đốc
Mộ Thoại Ngọc Hầu và chính thất phu nhân Châu Thị Tế.
mộ bà trương thị miệt
Mộ bà Trương Thị Miệt.
Vuông lăng còn lại bao gồm những ngôi mộ của các cận thần, thân tộc và dân binh đã mất trong quá trình đào kênh Vĩnh Tế do ông quy tập về. Những ngôi mộ này có nhiều hình dáng khác nhau: hình voi phục, hình bầu dài, hình vuông vắn,...
sơn lăng
Những ngôi mộ khác có các hình thù khác nhau.
Đi lên dãy bậc thềm phía trên là đền thờ Ông Thoại, được dựng sau này để tưởng nhớ công lao của ông. Bên trong có đủ bộ câu đối, liễn, hoành phi và tượng bán thân ông Thoại đầy đủ lễ phục như còn lúc đương triều cao khoảng 2m. Ngay cạnh đền thờ là nhà trưng bày cổ vật với nhiều hiện vật quý giá thời nhà Nguyễn. Một phát hiện chấn động vào năm 2010, trong lúc trùng tu ngôi mộ, một rãnh đào sụp xuống, cơ quan chức năng liền cho khai quật hai ngôi mộ bà Châu Thị Tế và Trương Thị Miệt, thu thập được lượng lớn cổ vật có giá trị to lớn.
đền thờ thoại ngọc hầu
Đền thờ ông Thoại tại Sơn Lăng.

Châu Đốc là vùng đất mang đậm tính văn hóa và lịch sử tiêu biểu cho thời kỳ khai hoang lập ấp của dân ta. Đến ghé thăm vùng đất này ta mới cảm nhận rõ tinh thần bất khuất khai phá tự nhiên của cha ông ta, góp phần mang lại lợi ích cho đời sau. Nếu có dịp du lịch Châu Đốc, hãy ghé qua lăng ông Thoại như một cách để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân xưa bạn nhé.
 

Tác giả bài viết: JQ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tìm kiếm Tour

Chúng tôi trên Facebook

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây