Tín Việt Travel - Dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, uy tín, chất lượngDu lịch Tín Việt - Tín Việt Travel là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam chuyên tổ chức các tour du lịch nội địa, quốc tế, làm visa, vé máy bay... chất lượng, uy tín
Nét văn hóa tín ngưỡng đặc biệt nơi dinh Vạn Thủy Tú
Thứ năm - 22/07/2021 04:40
Trải qua hơn 200 năm, dinh Vạn Thủy Tú là nét tiêu biểu cho truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của cư dân miền biển Phan Thiết.
TÊN GỌI DINH VẠN THỦY TÚ
Dinh Vạn Thủy Tú là địa chỉ tham quan nổi tiếng thu hút khách cả trong cũng như ngoài nước của thành phố du lịch Phan Thiết tọa lạc tại địa chỉ 54 Ngư Ông, Đức Thắng, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Cái tên Vạn Thủy Tú thể hiện ước mơ về một làng vạn chài giàu có và trù phú. Xưa kia lớp lớp người dân miền Trung di cư vào đây thành làng lập ấp và mỗi vạn chài đều có thiết chế về thờ cúng Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần (thờ Cá Voi).
Được biết tục thờ cá Voi là khi xưa là của người Chăm, nhưng từ lúc người Việt và người Hoa đến đây thì nó đã được bản địa hóa, biến thành tín ngưỡng riêng của hai dân tộc này.
VỀ TỤC THỜ CÁ ÔNG
Tục thờ cá Ông (cá Voi, Cá nhà Táng, các loại cá lớn khác) xuất hiện phổ biến ở dọc ven biển miền Trung từ Thanh Hóa trở vào đến toàn bộ các tỉnh ven biển miền Nam, được các ngư dân vô cùng kính ngưỡng và tôn là thần Nam Hải. Ban đầu tục này xuất phát từ người Chăm bởi theo quan niệm của họ Cá Ông chính là hiện thân cho vị thần biển cả. Sau dần dần đã bản địa hóa và trở thành tín ngưỡng của cả người Việt lẫn Hoa - những người tin rằng Cá chính là hiện thân cho chiếc áo choàng sau của quan âm ném xuống biển để cứu vớt ngư dân. Mục đích của tục lệ nhằm cầu cho quốc thái dân an, đời sống ấm no, nhất là cầu an yên cho ngư dân ra khơi và đánh được những mẻ cá lớn. Một nguyên do khác cho tục thờ này là Cá Voi được cho thường cứu nạn ngư dân trên biển.
Theo truyền thống, người nào phát hiện được xác cá Ông trôi dạt vào bờ thì phải có bổn phận làm lễ an táng cho Ông. Xác được rửa sạch bằng rượu và tẩm liệm bằng vải đỏ, có người còn lấy giấy thấm nước dãi ở miệng cá để phơi khô sau đó đốt lên trị bệnh suyễn. Cá được chôn ở những đụn cát gần bãi biển, sau ba năm thì cải táng và làm lễ Nghinh Ông (điển hình ở Bến Tre) hay Cầu Ngư (ở làng Thái Mân Đà Nẵng) rồi đem cốt vào vạn để thờ.
Với những người phát hiện ra cá Ông thì được nhân dân rất tôn sùng và dưới triều Nguyễn còn được miễn cho sưu dịch 3 năm tương ứng với ba năm "chịu tang". Hàng năm người dân sẽ lấy ngày Ông lụy bờ (dạt vào bờ) làm lễ cúng giỗ theo nghi thức. Làng nào mà cá dạt bờ thì được xem như may mắn, muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Năm 1762, người dân làng Thủy Tú ở vùng đất Phan Thiết ngày nay đã lập nên vạn này để thờ Cá Ông. Lúc mới xây dựng nó bao gồm chính điện đặt thờ thần Nam Hải và đặt sát biển, nhưng qua quá trình bồi lấp đã có vị trí như ngày nay.
Đặc biệt dinh có duyên với các vua chúa Nhà Nguyễn khi được nhận tới 24 sắc phong dưới triều đại của 5 vị vua bao gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, riêng Tự Đức đã ban tới 10 sắc phong, nhiều trong số đó hiện nay còn được bảo quản khá nguyên vẹn.
Năm 1996, nhà nước xếp hạng dinh vào diện di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong năm 2003, viện hải dương học Nha Trang đã giúp đỡ dinh phục chế bộ xương cá voi lớn nhất được trưng bày tại đây, góp phần tôn thêm giá trị cho Vạn Thủy Tú Phan Thiết.
KIẾN TRÚC DINH VẠN THỦY TÚ
Dinh Vạn Thủy Tú có thể gọi là đình do cách thiết kế, bài trí và thờ phụng. Hương án chính giữa đình Vạn Thủy Tú thờ Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần; bên trái thờ Thủy Long thánh phi nương nương tôn thần và bên phải thờ Thái hiệu tiên sư tôn thần. Phía sau là phòng lưu giữ, bảo tồn những bộ cốt cá voi. Phía hữu là doi đất rộng gọi là Ngọc Lân Thánh địa để mai táng cá Ông. Khi Ông lụy (chết), sẽ được chôn cất tại đây. Sau 3 năm sẽ được làm lễ cải táng đem cốt vào thờ như ở những vùng khác.
Ngoài những sắc phong của các vua triều Nguyễn còn được bảo toàn nguyên vẹn thì nơi đây còn lưu giữ chiếc Đại Hồng Chung (Chuông đồng) được đúc dưới thời Tự Đức, trên đó có khắc ghi chữ "Tự Đức nhị thập ngũ niên - Xuân quý giáo đáng - Thủy Tú Vạn - Bổn Vạn đồng ký”. Thêm vào đó là những văn tự, bài tế, liễn, hoành phi bằng chữ Hán Nôm có giá trị di sản rất lớn.
Điểm đặc biệt nhất phải kể đến là bộ xương cá Voi lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 22m, trọng lượng ước tính khoảng 65 tấn lúc còn sống, hiện nay bộ xương được trưng bày tại Dinh và không mất một phần xương nào. Không những vậy, dinh còn lưu trữ bộ sưu tập hơn 300 bộ xương cá Voi lớn nhỏ khác nhau. Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: 20/2 (Tế Xuân); 20/4 (Cầu ngư); 20/6 (Chính mùa); 20/7 (Chèo dọc) và 23/8 (Mãn mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe, kéo co,...
Trải qua hơn 250 năm Dinh trở thành biểu tượng cho văn hóa và tín ngưỡng của người Phan Thiết với những giá trị về lịch sử cũng như di sản to lớn. Du khách khi đến Phan Thiết chắc chắn sẽ không thể bỏ qua địa điểm du lịch Bình Thuận này, bởi ngoài tham quan chúng ta sẽ được lắng nghe những câu chuyện thú vị xung quanh Dinh Vạn Thủy Tú, từ đó hiểu hơn về con người và mảnh đất đầy nắng và gió này.
Chúng tôi trên mạng xã hội