Tín Việt Travel - Dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, uy tín, chất lượngDu lịch Tín Việt - Tín Việt Travel là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam chuyên tổ chức các tour du lịch nội địa, quốc tế, làm visa, vé máy bay... chất lượng, uy tín
Chùa Phật Thầy Tây An - Dấu ấn nơi miền biên cương
Thứ tư - 09/03/2022 02:23
Tọa lạc tại thành phố Châu Đốc, Chùa Phật Thầy Tây An là ngôi cổ tự mang đậm giá trị lịch sử và kiến trúc nơi vùng biên giới phía Tây của tổ quốc.
LỊCH SỬ CHÙA TÂY AN
Chùa Tây An hay Tây An Cổ Tự là ngôi chùa nằm ở biên giới Tây Nam của tổ quốc, là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nam bộ, có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc. Chùa do Tổng đốc tỉnh An Giang là Doãn Uẩn xây dựng năm 1847, tọa lạc ở ngã ba Núi Sam, cách thành phố Châu Đốc khoảng 7km. Sách Đại Nam nhất thống chí đã giới thiệu : “Chùa ở địa phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, nguyên Tổng đốc mưu lược tướng Trung Tinh Tử Doãn Uẩn kiến trúc năm Thiệu Trị thứ 7 (1847).
Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng vắng, cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh thiền lâm vậy”. Cũng có một số nguồn cho rằng: Trước khi tổng đốc Doãn Uẩn dựng chùa thì ở đó đã có một am thờ bằng tre lá do tổng đốc có tên là Nguyễn Nhật An lập 1820. Tuy nhiên, trong lịch sử nhà Nguyễn giai đoạn này không hề có tên Nguyễn Nhật An giữ chức tổng đốc cùng năm và chức tổng đốc mới chỉ xuất hiện sau cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng năm 1832, nên có thể nói đây là một nhân vật được dân gian phối ghép. Nói thêm rằng trước cải cách hành chính 1832 thì vùng đất nơi chùa Tây An tọa lạc thuộc trấn Vĩnh Thanh do quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại tiếp quản năm 1820.
Ngày 10 tháng 7 năm 1980, chùa Tây An được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nằm trong khu di tích núi Sam, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc (sau này là thành phố), An Giang cùng với Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu,...
KIẾN TRÚC CHÙA TÂY AN
Hơn 170 năm qua, chùa Tây An đã được sửa chữa nhiều lần. Hai lần sửa chữa lớn nhất là: Năm 1861, Hòa thượng Nhất Thừa trùng tu lại chánh điện và hậu tổ. Đến năm 1958, Hòa thượng Bửu Thọ đứng ra vận động dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng ba ngôi lầu cổ, mặt chính của chùa và sửa chữa ngôi chính điện. Kiến trúc chùa mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo kết hợp với kiến trúc cổ dân tộc. Chùa được xây dựng theo lối chữ Tam, nằm trên nền cao, các trụ đỡ bằng gỗ quý, nền lót gạch bông.
Cổng tam quan xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, mái nhị cấp lợp ngói đại tiểu, phía trên cùng mái giữa là hình tượng lưỡng long tranh châu, phía dưới đề tên Tây An Tự bằng chữ Nôm. Cuối cùng ở dưới có bức tượng Quan Âm Thị Kính bế con Thị Mầu.
Bước vào bên trong khuôn viên chùa là ngôi chính điện với tháp chính thờ Phật cao hai tầng độc đáo. Kiến trúc tháp mang hơi hướng của Ấn Độ Giáo, nóc cổ lầu hình tròn, tầng trên là tượng Phật A Di Đà, phía dưới chân tháp là bốn cột trụ có bốn thần hộ pháp xung quanh. Trước thềm chùa có hai con voi - Một con Hắc tượng 2 ngà và một con Bạch Tượng 6 ngà.
Bên trong chánh điện có khoảng 200 pho tượng Phật, Bồ-tát, La-hán, Thần và Tiên,... đa số bằng danh mộc, mang ý nghĩa triết lý Phật giáo và có giá trị nghệ thuật cao. Sinh động nhất là bộ tượng Tứ Thiên Vương (Đông Thiên vương, Tây Thiên Vương, Nam Thiên Vương, Bắc Thiên Vương) và bộ tượng Bát bộ Kim Cương Chùa còn có nhiều câu đối và hoành phi chạm trổ rất công phu. Tất cả công trình được tạo tác bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân An Giang, Đồng Tháp vào thế kỷ XIX.
Phía sau chùa có nhiều tháp mộ, trong đó đáng chú ý nhất là mộ Phật Thầy Tây An. Thầy tên là Đoàn Minh Huyền quê ở Tòng Sơn (Sa Đéc), sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Bính Thìn (1856). Là người có tinh thần cải cách tôn giáo, từ năm 1849, Thầy đã đi truyền đạo nhiều nơi và chữa bệnh cho nhiều người nên có uy tín lớn trong nhân dân. Sau đó Thầy về tu tại chùa Tây An. Nhân dân kính trọng tài năng và đức độ của thầy nên đã tôn xưng là Phật Thầy Tây An.
LỄ HỘI CHÙA TÂY AN
Hằng năm, chùa Tây An có các ngày lễ chính: rằm tháng giêng (thượng nguyên), rằm tháng mười (hạ nguyên) và 12 tháng 8 âm lịch (giỗ Thầy Tây An). Vào các ngày lễ ấy và các tháng lễ hội núi Sam, Châu Đốc (từ tháng 1 đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm), khách hành hương các nơi đến chùa chiêm bái rất đông. Có thể nói đây là một trong những địa điểm du lịch Miền Tây hấp dẫn nhất trong những năm qua.
Chúng tôi trên mạng xã hội