Tín Việt Travel - Dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, uy tín, chất lượngDu lịch Tín Việt - Tín Việt Travel là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam chuyên tổ chức các tour du lịch nội địa, quốc tế, làm visa, vé máy bay... chất lượng, uy tín
Rừng Tràm Trà Sư được ví như lá phổi xanh của vùng Tây Nam Bộ, nơi chứa đựng hệ sinh thái đa dạng cùng cảnh quan thiên nhiên vô cùng hữu tình.
ĐÔI NÉT VỀ RỪNG TRÀM TRÀ SƯ
Rừng tràm Trà Sư thuộc địa phận Ấp Văn Trà, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là khu rừng ngập nước đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Trà Sư cách thành phố Châu Đốc khoảng 27km về phía Đông Bắc, cách thị trấn Tịnh Biên 22km về phía Tây và vùng Bảy Núi khoảng 20km về phía Nam. Vị trí của rừng tràm Trà Sư cách không quá xa so với các vị trí trọng điểm của An Giang nên rất phù hợp để tham quan và phát triển du lịch.
Tọa lạc trên một diện tích 850ha, nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (An Giang). Ban đầu là khu vùng trũng hoang hóa, nhiễm phèn nặng, được lâm trường Tịnh Biên trồng thử nghiệm loại cây tràm nhằm cải tạo đất vào năm 1983. Kể từ đó đến nay, rừng không ngừng phát triển và trở thành nàng thơ mới của du lịch An Giang trong những năm gần đây.
Rừng tràm Trà Sư An Giang được bao bọc bởi các con kênh Trà Sư, Bao Tràm, Tha La, KT2 và kết nối với sông Hậu bằng con sông Đào. Rừng đóng vai trò là kênh ngăn thoát lũ cho dòng sông Hậu và từ kênh Vĩnh Tế tràn vào tứ giác Long Xuyên, đồng thời thoát nước cho khu vực Bảy Núi. Không những thế, nó còn là "máy tạo Oxy" điều hòa khí hậu tự nhiên ở vùng Tây Nam Bộ.
HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG
Trà Sư có thể nói là vùng rừng đặc dụng có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất ở miền Tây. Nơi đây hiện có hệ động vật vô cùng phong phú hơn 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát, 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài cá chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi. Đặc biệt có loài Giang Sen (Cò lạo Ấn Độ), Điêng Điểng (Cò cổ rắn) và Dơi Chó tai ngắn là những loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam cần được giữ gìn và bảo tồn.
Bên canh đó hệ thực vật cũng không hề kém cạnh với hơn 140 loài đang phát triển, ngoài Tràm là loài cây chính được trồng còn có 20 loài thân gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài thuốc và 22 loài cây cảnh. Một số loài cho rau được dân địa phương lấy làm thực phẩm như đọt choạy, nhãn lồng, dương xỉ, thậm chí có một số cây còn có công dụng làm thuốc nam vô cùng hay.
CÁC HOẠT ĐỘNG HẤP DẪN Ở RỪNG TRÀM TRÀ SƯ
Tham quan rừng Tràm
Tất nhiên rồi, hoạt động tham quan thú vị nhất ở đây không gì khác là ngồi thuyền tham quan rừng tràm. Từ bên ngoài du khách ngồi tắc ráng đi sâu vào vùng lõi, hai bên là dãy tràm rợp bóng xanh mát. Khi vào vùng lõi, du khách chuyển sang ngồi xuồng chèo tay, len lỏi trong những con lạch nhỏ, bên dưới bông lục bình, bèo xanh phủ xanh mặt nước trôi hững hờ. Càng đi sâu bên trong, không gian càng trở nên tĩnh mịch, ta có thể nghe rõ những thanh âm quen thuộc của các loài sếu, cò, chim,...
Khi đã dạo vòng quanh rừng tràm, các bạn ghé vọng gác giữa rừng tràm để chiêm ngưỡng toàn bộ vùng ngập nước từ trên cao. Ở đây có kính viễn vọng có thể giúp du khách nhìn xa tới 25km. Vào những lúc hoàng hôn, từng đoàn chim bay lượn trên bầu trời, tiếng chim ríu rít gọi nhau, mặt trời chiếu tỏa khiến không gian yên bình đến lạ.
Đến rừng tràm Trà Sư du khách sẽ được tận mục chiêm ngưỡng cây câu tre dài nhất Việt Nam. Với tổng chiều dài 10km và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng. Đã hòan thành giai đoạn 1 để đưa vào hoạt động ngày 01/01/2020 với chiều dài gần 4km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại và kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với chiều dài cầu khoảng 6km đang được triển khai xây dựng và dự tính sẽ đưa vào hoạt động vào 30/04/2020. Dọc tuyến cầu tre được chia thành 5 nhánh có thiết kế chòi nghỉ tại mỗi nhánh. Cây cầu không chỉ giúp cho việc tham quan đi lại trong khu du lịch dễ dàng hơn mà còn tạo nên điểm nhấn và là địa điểm sống ảo tuyệt vời.
Ngoài ra bến thuyền nơi bắt đầu chuyến tham quan cũng được trang hoàng bằng những tổ chim bồ câu lạ mắt, nhiều tiểu cảnh, bồn hoa, chậu hoa với nhiều loại hoa khác nhau.
ĂN GÌ Ở RỪNG TRÀM TRÀ SƯ
Không chỉ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, đi Trà Sư mà không thưởng thức những đặc sản cây nhà lá vườn thì quả là thiếu sót. Ẩm thực Trà Sư nổi bật với các món ngon của vùng Thất Sơn như lẩu gà lá giang, lẩu mắm bông điên điển, lẩu cá diêu hồng, cá hú, các món độc lạ như chuột đồng nướng, cá lóc nướng hay các món kho như cá lóc kho lạt, cá rô kho tộ,...
ĐI RỪNG TRÀM TRÀ SƯ MÙA NÀO ĐẸP
Nhìn chung có thể du lịch rừng tràm quanh năm. Tuy nhiên, mùa nước nổi từ tháng 9 - 11 là thời gian đẹp nhất để tham quan rừng tràm Trà Sư. Khi con nước lên, nhiều loài động vật về đây trú ngụ càng nhiều, thực vật cũng trở nên xanh tươi mang lại sưc sống cho cảnh quan, không gian cũng trở nên phong phú sinh động hơn. Khung giờ tham quan đẹp nhất là từ 7h - 9h vào buổi sáng, lúc đó từng đàn chim bay lượn trên bầu trời, ríu rít gọi nhau đi kiếm ăn. Vào buổi chiều thì bạn nên tham quan từ 4h - 6h vào lúc hoàng hôn, khi mà chim muông về tổ, tiếng gió rì rào, xa xa là ánh mặt trời dịu nhẹ tạo nên bức tranh hữu tình chốn miền Tây biên giới.
Hiện nay giá vé tham quan rừng tràm khá là vừa phải, cụ thể: Vé vào cổng: 100.000Đ/ người, bạn sẽ được thoải mái checkin Cầu Kiều Trà Sư, thành phố Bồ Câu, xuyên rừng trên cây cầu tre dài 2,2km, căn nhà trống mái,... Thuê tàu máy: 50.000Đ/ người: Thưởng ngoạn hệ sinh thái rừng tràm bằng tàu máy, checkin cung đường bèo Tai Tượng, đường băng bèo. Thuê xuồng chèo tay: 50.000Đ/ người: Trải nghiệm cảm giác chèo thuyền ba lá bằng tay, thong dong trên con lạch phủ đầy bèo và chạm tay vào làn nước trong xanh. Thuê xe đạp: 50.000Đ/ xe: Đạp xe chinh phục rừng tràm Trà Sư, được cung cấp bản đồ đường đi. Thời gian từ 7h - 16h hàng ngày. Thuê hướng dẫn viên: 250.000Đ / HDV thuyết minh 3 tiếng và dẫn đoàn đến từng địa điểm cụ thể. Các đối tượng được ưu tiên:
Giảng viên, giáo viên, học sinh mang theo thẻ còn hạn sử dụng sẽ được giảm 50% vé tham quan.
Trẻ em dưới 1m3 được miễn vé, trên 1m3 tính như người lớn.
Từ một vùng hoang hóa "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh", đến nay rừng tràm Trà Sư đóng vai trò quan trọng đối với vùng đồng bằng Tây Nam Bộ và ngày càng lột xác thành địa điểm du lịch mới đầy quyến rũ. Nếu có dịp đến với An Giang đừng quên ghé thăm Trà Sư bạn nhé.
Chúng tôi trên mạng xã hội